PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT CÁC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN

By : Unknown

Phương pháp chung cho các môn:
1. Xác định mục tiêu của việc học một cách rõ ràng: Vì nếu em hiểu rõ mục tiêu của việc học thì nó sẽ quyết định phương pháp học, kết quả học của em.
2. Lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian học một cách cụ thể khoa học . Em hãy lập cho mình một thời gian biểu: Có thời gian học và thời gian giải trí hợp lý.
3. Hành động của em phải luôn kiên định. Đó chính là khả năng kiên trì đọc sách, ghi chép lại nội dung quan trọng cần thiết và ôn bài mỗi ngày.
4. Sử dụng kĩ năng trí nhớ để tiếp thu thông tin: Khi ngồi trong lớp em hãy chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài; những nội dung cơ bản thì ghi vào vở. Chú ý kết hợp: Mắt nhìn (nhìn thầy cô, nhìn bảng), tai nghe (nghe những lời thầy cô giảng), tay viết (viết những điều thầy cô yêu cầu ghi vào vở, những điều thầy cô giảng)
5. Để hiểu bài và nhớ lâu: Trong lớp luôn phát biểu ý kiến xây dựng bài. Em hiểu thế nào nói thế đó, nếu em trả lời đúng sẽ nhớ rất lâu, nếu em trả lời chưa đúng, thầy cô sẽ sửa lại giúp em, em cũng sẽ nhớ rất lâu. Đừng bao giờ thụ động, thầy cô nói gì mình nghe vậy, hãy nói ra suy nghĩ của mình.
6. Phương pháp học để nắm thông tin: Đọc lướt một lần toàn bộ văn bản, sau đó đọc chậm lại và ghi nhớ nội dung chính. Sau khi đọc nắm bắt thông tin  chính, ghi chú bằng sơ đồ hoặc tóm tắt nội dung chính ra giấy.
7. Khi bắt đầu ngồi vào bàn học, việc đầu tiên là xem lại toàn bộ bài vừa học trong ngày, mở vở nháp đọc lại những lời thầy cô giảng mà em đã ghi nhanh được, sau đó học bài của ngày hôm sau. Sau khi đã học xong bài của ngày hôm sau, hãy mở sách giáo khoa ra: Đọc bài ngày mai thầy cô sẽ dạy. Ghi chép hoặc đánh dấu những điều mình không hiểu hoặc chưa hiểu rõ, để ngày mai khi nghe giảng sẽ chú ý kĩ hơn những nội dung này. Nếu tiết học vẫn chưa hiểu thì mạnh dạn đứng lên hỏi thầy cô. Thầy cô luôn mong muốn mình ham hiểu biết.
 8. Không bao giờ tự thỏa mãn với kết quả mình đạt được. Học ở trường, học ở nhà, học trong sách vở, học ở bạn bè, học bên ngoài SGK bằng việc học hỏi kiến thức mới trong sách tham kháo. Không bao    giờ bỏ qua các chủ đề và chương sách khó hiểu. Hãy hào hứng bắt tay vào tìm ra lời giải đáp, những điều mình còn thắc mắc, những điều mình còn chưa hiểu.

           Việc học tập phải có kiểm tra, đánh giá, để làm bài đạt hiệu quả cao các em cần lưu ý:
Vì bài kiểm tra hay bài thi cũng chỉ kiểm tra lại kiến thức thầy cô đã cung cấp cho mình, đã ôn luyện cho mình, mà mình thì đã chuẩn bị kĩ rồi. Khi làm bài kiểm tra hay khi đi thi nên nhớ: Luôn giữ thái độ bình tĩnh (vì mọi người xung quanh ai cũng như mình), tự tin (luôn tin vào năng lực và khả năng chiến thắng của mình), tự đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ. Trước khi làm bài em luôn tự nhủ trong đầu mình bằng những từ ngữ mạnh mẽ: “Mình sẽ đạt điểm 10”, “Bài này rất dễ vì mình đã chuẩn bị kĩ”, “không có gì là mình không làm được”
Bước 1: cầm đề đọc lướt qua đề 1 lần từ đầu đến cuối đề. Đọc lại lần 2 chậm rãi, vừa đọc vừa suy nghĩ, chọn ra câu dễ, câu khó, ý dễ, ý khó. Dự kiến thời gian làm cho từng câu. Phân chia thời gian hợp lí. Dự phòng để kiểm tra lại.
Bước 2: Chọn lọc câu hỏi để bắt đầu làm bài. Luôn đọc kĩ câu hỏi, chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Trong một câu chọn ý dễ làm trước, ý khó làm sau. Trả lời câu hỏi vừa đủ, đừng đi quá đà, đừng bao giờ bỏ cuộc nên làm nháp trước.
Bước 3: Sau khi làm xong: Không được bỏ qua bước kiểm tra lại bài làm, nên kiểm tra kĩ mình làm đúng hay chưa. Không vội vàng, cẩu thả, chữ viết luôn sạch sẽ, rõ ràng (chữ em có thể không đẹp nhưng phải sạch sẽ, rõ ràng, đúng chính tả). Bên cạnh việc em làm đúng, thầy cô chấm bài luôn thích những bài có chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, không có lỗi chính tả, vì vậy chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, không có lỗi chính tả sẽ giúp em có điểm cao hơn.
Ngoài phương pháp học chung như đã nêu ở phần trên, các em cần phải có phương pháp học riêng cho từng môn, từng phân môn. Mỗi môn học có phương pháp riêng, mỗi người cũng có cách học riêng. Một vài phương pháp học ở các môn khoa học tự nhiên:

           1/ Môn toán: Toán học là nền tảng cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên khác. Có thể nói rằng không có toán học, sẽ không có ngành khoa học nào cả.
Đối với môn toán: các em không cần phải nhớ quá nhiều như những môn khác. Môn toán như một chuỗi dây xích, khi nắm chắc A ta có thể dựa vào đó để tìm được mắc xích B bên cạnh A. Điều khó khăn nhất để giỏi môn toán là phải dành cho nó nhiều thời gian. Dù không phải nhớ nhiều, nhưng trước hết các em phải nhớ các định nghĩa, các tính chất, các định lý và các hệ quả. Để nhớ và hiểu sâu sắc các định nghĩa và định lý, các em phải làm nhiều bài tập. "Trăm hay không bằng tay quen". Khi đến 1 khu phố lạ ta bị lạc đường nhưng 1 em bé 10 tuổi có thể dẫn ta đi bất cứ ngóc ngách nào mà không lạc, đó chính là do "quen".
           Để hiểu hết 1 cuốn sách toán ta cần hiểu từng trang, để hiểu hết 1 trang ta chỉ cần hiểu từng dòng và để hiểu mỗi dòng có lẽ là không khó lắm. Thật ra học toán là các em học tại sao có dấu bằng? Tại sao có dấu lớn hơn? Tại sao có dấu nhỏ hơn? Tại sao có dấu suy ra và tại sao có dấu tương đương? Để hiểu một bài toán ta cần phải nhớ các kiến thức căn bản chứa đựng trong định nghĩa và định lý. (Để nhớ các định nghĩa và định lý ta cần làm nhiều bài tập).Có khi các em nghe giảng thì hiểu nhưng không thể tự làm lại được. Để kiến thức thực sự là của ta thì ta phải tự làm lại những bài tập từ dễ đến khó. Hãy kiên nhẫn học lại những điều rất cơ bản và làm cả những bài tập đơn giản. Chính những kiến thức cơ bản giúp ta hiểu được những điều nâng cao sau này. Một vấn đề phức tạp là tổ hợp của nhiều vấn đề đơn giản, 1 bài toán khó là sự nối kết của nhiều bài toán đơn giản. Chỉ cần nắm vững những vấn đề căn bản rồi bằng óc phân tích và tổng hợp các em có thể giải quyết được rất nhiều bài toán khó.
                Tóm lại, để học tốt môn toán các em cần phải:
Học  và nắm vững tất cả các kiến thức căn bản về toán từ lớp dưới.
Phải thuộc và nắm vững các định nghĩa và định lý bằng cách làm nhiều bài tập.
         Gặp một bài toán lạ và khó, bình tĩnh và kiên nhẫn phân tích để đưa về những bài toán cơ bản và quen thuộc. Để có hiệu quả cao, cần phải có một chút yêu thích môn học.
         Phải học đều ngay từ đầu năm học, chứ không phải đợi gần kiểm tra mới học.
Riêng đối với phân môn hình học ngoài những nguyên tắc trên  các em cần phải lưu ý thêm:
Luôn đem theo dụng cụ vẽ hình đầy đủ.
Nắm được cách vẽ những hình cơ bản, rèn kĩ năng vẽ hình tỉ mỉ và chính xác.
            Để nhớ kỹ bài, lời khuyên của cô là các em phải thường xuyên ôn tập, vận dụng các công thức. Khi học nên vẽ hình, vận dụng đầy đủ các giác quan: mắt nhìn, tay ghi, miệng đọc. 
            Kinh nghiệm học toán thì có rất nhiều, nhưng quan trọng các em hãy xác định rõ thực lực của mình, điểm yếu cũng như điểm mạnh của bản thân để từ đó lên kế hoạch ôn luyện hay áp dụng các phương pháp học phù hợp. Hãy học bằng tất cả niềm say mê của mình, chắc chắn các em sẽ không còn chán nản trước những con số Toán học khô khan.
     
            2/ Đối với môn vật lý:
 Thường thì khi các em học giỏi toán thì các em sẽ học tốt các môn tự nhiên khác như vật lý, hóa học.
Tuy nhiên, mỗi môn học có đặc thù riêng, nên ngoài những nguyên tắc trên khi học môn vật lý các em lưu ý:
Là môn học nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Những hiện tượng chỉ tuân theo một số nguyên tắc nhất định, và để hiểu rõ những hiện tượng đó thì các em có thể hỏi thầy cô trên lớp, tham gia các tiết thực hành nghiêm túc, đọc kết quả chính xác. Các em có thể lên mạng để tìm những hình ảnh minh họa, những đoạn phim mô phỏng những thí nghiệm học trên lớp. Trên mạng có rất nhiều tư liệu và minh họa dễ hiểu. Chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là các em đã phần nào làm được những câu lý thuyết.
Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; các em có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai.
        Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp các em làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà các em phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối các em. Theo cô, các em nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu các em nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi các em nhớ không rõ công thức, việc nhớ một công thức tổng quát sẽ làm các em cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều các em sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu.

Trình tự làm một bài toán vật lý thường:
Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
Đổi đơn vị nếu cần (các em thường không để ý hay quên làm bước này).
Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
Suy nghĩ  những công thức nào có thể dùng để giải.
Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
 
          3/ Đối với môn 
hóa học: Hóa học là một bộ môn khoa học có khối lượng lớn kiến thức cả về phương diện thực nghiệm lẫn lý thuyết. Để học tốt Hóa, các em phải nắm vững lý thuyết, tức là không chỉ nhớ được tính chất hóa học của các chất, mà còn phải hiểu bản chất, hiểu tại sao các chất lại có tính chất hóa học như vậy. Có nghĩa là các em phải lật đi lật lại vấn đề với 3 câu hỏi lớn: "Đó là cái gì? Nó như thế nào? Tại sao lại như thế?".Trả lời được ba câu hỏi ấy, em sẽ tìm được cách học tốt nhất cho mình.
           Tuy nhiên, lý thuyết Hóa thường khó nhớ, đặc biệt là các phương trình hóa họcNên khi học các em có thể:
Bám sát kiến thức trên lớp, chú ý những gì thầy cô giảng trên lớp, cái gì không hiểu hỏi ngay. Học thuộc bài, thuộc lí thuyết sách giáo khoa, các phương trình phản ứng. Các bài học thì thường có sự liên quan với nhau, cố gắng tìm điểm chung của nó. Đặc biệt khi học về các chất hóa học thường có các phản ứng đặc trưng. Vì vậy các em cần chú ý để nắm được điểm chung, điểm riêng biệt.
Viết các phương trình ra nháp nhiều lần, vừa viết vừa đọc ra miệng các phương trình đang viết.
Có thể tự tạo các dãy biến hóa và tự viết phương trình biểu diễn cho các dãy biến hóa đó.
Không lạ gì học tập được quan niệm là một quá trình lao động và phấn đấu,  ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Với phương châm “chủ động, tích cực, thoải mái và kiên trì” ; Các em hãy xác định cho  mình phương pháp học tốt, hy vọng rằng các em sẽ tìm được phương pháp học tập cho riêng mình và đạt kết quả cao trong thời gian tới.

Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh

By : Unknown

Lý Tự Trọng- người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh đã hy sinh anh dũng khi chưa tròn 18 tuổi đời. Lời nói, ý chí và hành động của Anh là minh chứng hùng hồn về bản lĩnh kiên cường, lòng trung thành và tinh thần bất khuất của một người cộng sản.
Bản Mạy, một bản làng thuộc biên giới Lào, Thái Lan là nơi anh hùng Lý Tự Trọng ra đời. Hơn 100 năm trước, những người Việt yêu nước theo phong trào Quang Phục hội tránh sự truy sát của kẻ thù đã phải di tản sang Xiêm La, tức Thái Lan bây giờ để lánh nạn và nuôi chí phục thù. Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) quê ở làng Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Do không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, cụ Khoan đã cùng bà con rời quê hương sang Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động yêu nước. Lê Hữu Trọng được đi học tại ngôi trường trong Trại Cày do sỹ phu yêu nước Đặng Thúc Hứa tổ chức dạy văn hóa. Lê Hữu Trọng là người thông minh, tiếp thu kiến thức rất nhanh và đặc biệt say mê văn thơ yêu nước. Sau đó Anh lại được gia đình gửi vào học tại trường chuyên dạy tiếng Trung và tiếng Anh “Hoa Anh học hiệu”. Anh học giỏi cả ba thứ tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Thái Lan.
Đầu mùa hè năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên Cộng sản ở Việt Nam theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc này Người mang tên là Lý Thụy). Từ đây, Lê Hữu Trọng và các thiếu niên khác đều mạng họ Lý để đảm bảo bí mật. Lê Hữu Trọng được đổi tên là Lý Tự Trọng.

Từ năm 1927 trở đi, tình hình Quảng Châu ngày càng diễn biến phức tạp phản bội mục đích cách mạng của Tôn Trung Sơn gây ra. Năm 1929, các tổ chức cộng sản ở ViệtNam lần lượt ra đời.  Mùa Thu năm 1929, Lý Tự Trọng được điều về Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Về Sài Gòn, với bí danh là Trọng Con, Anh xin làm công nhân nhặt than tại bến Nhà Rồng. Lúc cơ quan Trung ương Đảng chuyển vào Sài Gòn, nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vô cùng nặng nề: Anh vừa làm giao thông liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ uỷ Nam Kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ uỷ Nam Kỳ với các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn- Chợ Lớn. Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao mặc dù công việc hết sức nặng nề.
Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 08/02/1931, các chiến sỹ cách mạng tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng, cờ đỏ búa liềm giương cao, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Giữa lúc ấy tên thanh tra mật thám Pháp Le Grand và bọn cảnh sát đi cùng ập tới. Không còn cách nào khác, để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết.
Thực dân Pháp đã bắt Anh, hết tra tấn lại dụ dỗ, nhưng Anh vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Chúng hứa sẽ cho Anh sang Pháp học, sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Anh trả lời: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ thức ăn ấy”. Chúng tra tấn Anh hết sức dã man, đánh Anh hết roi song lại roi cá đuối, chúng trói hai tay trút lên xà nhà, có khi chúng chụp một thứ mũ sắt có bắt đinh ốc đặc biệt, cứ xoáy đinh ốc là mũ kẹp chặt lấy thái dương, chúng kẹp đến nỗi mắt Anh từ từ lồi ra nhưng Anh vẫn thản nhiên chịu đựng, tất cả đòn tra tấn của quân thù đều vô hiệu đối với Anh.


Nhà báo tiến bộ Pháp André Violis lúc bấy giờ đến Sài Gòn, vào khám thăm Lý Tự Trọng, đã vô cùng kính phục người chiến sĩ Cộng sản nhỏ tuổi. Khi về Pháp, bà đã viết một loạt bài và cuốn sách “Indochine S.O.S” (Đông Dương cấp cứu) trong đó vạch trần chính sách tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương và phản đối án tử hình đối với Lý Tự Trọng.
Bà André Viollis thuật lại: “Khi bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim, những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng” (6)
Giam cầm, tra tấn ở khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa Anh về xử án. Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, Anh chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân mở lượng khoan hồng vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành và hành động thiếu suy nghĩ, Anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. [4]
Nhờ sự dấn thân của bà André Viollis mà chúng ta biết được phút cuối cùng của Lý Tự Trọng “Ngày 21-11-1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong bức tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”. Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác là những người anh hùng của nền độc lập Việt Nam. Anh bị chém vào khoảng 3 giờ sáng 21-11-1931. Lúc đó anh mới 17 tuổi...”. [4]
Nhà báo Pháp André Violis đã viết về anh hùng Lý Tự Trọng: Bởi người cộng sản trẻ tuổi ấy quá đỗi anh hùng, đẹp hơn huyền thoại mà tôi tự hỏi mình: "Tại sao một thiếu niên mới 17 tuổi mà cứng cỏi, bản lĩnh đến vậy. Anh đã được hun đúc như thế nào để nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, nói những lời gang thép, trí tuệ như thế".
Hơn ai hết, tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Hà Tĩnh nói riêng cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp ngời sáng trong tâm hồn Anh. Trách nhiệm lớn lao của tuổi trẻ hôm nay là sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh oanh liệt của Anh.

THỜI KHÓA BIỂU LỚP 7/2 năm học 2016-2017

By : Unknown
C
THỨ 2
THỨ 3
THỨ 4
THỨ 5
THỨ 6
THỨ  7
cc
Địa
S
Văn
Sinh
CD
Tin
ToánAnh

Văn
Anh
Sinh
Toán
MT

Văn
Toán
Văn
Anh
Địa

CN
Toán
Nhạc
Lý
Tin

S
SHL




Sáng thứ 2, tiết 4,5 học Thể dục

LỊCH SỬ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

By : Unknown
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trong lòng mỗi người dân đã trở nên rất đỗi quen thuộc và gần gũi. Một năm nữa lại trôi qua, sau bao nhiêu sự kiện diễn ra trong năm nay – 2016, chúng ta cùng dừng lại để cùng nhau chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần.



Lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo và Ngày Nhà giáo Việt Nam



Ngày Nhà giáo Việt Nam thì ai cũng biết đến, nhưng ít ai biết đến ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo và sự khác biệt giữa hai ngày này. Vì vậy, sự nhầm lẫn giữa hai ngày này ở một số người dân là không ít. Cùng tìm hiểu về lịch sử của ngày Quốc tế hiến chương nhà giáo và lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam, ta có thể thấy, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo ra đời sớm. Tháng 01 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Pari (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE- Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Vào mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22.7.1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Về cách xây dựng và hoạt động, tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo"năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan)  gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Tại Việt Nam ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Nội dung quyết định gồm 4 điều về ngày lễ kỷ niệm, những sứ mệnh cao cả mà ngày nhà giáo Việt Nam đem lại.

Việt Nam những năm tháng đầu hình thành và phát triển ngày Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo và ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11

Có thể nói, ngay từ những ngày tháng đầu hình thành và phát triển tại vùng đất có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo như nước ta, ngày 20/11 đã trở thành một ngày kỷ niệm đáng nhớ trong năm và là dịp để người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến với đội ngũ nhà giáo. Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, ngày lễ 20 tháng 11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.

Sau ngày đất nước được thống nhất 30/4/1975, nền giáo dục cả nước được thống nhất, giáo giới Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 năm 1982 là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Đến nay, ngày nhà giáo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các học sinh sinh viên và các thầy cô giáo, mà còn trở thành một dịp kỷ niệm của toàn thể nhân dân cả nước.

BÀI THUYẾT TRÌNH “TỆ NẠN XÃ HỘI”

By : Unknown

DÀNH CHO HỌC SINH CẤP THCS NĂM 2016
Đề tài: Từ một đề Văn.
1.     ĐẶT VẤN ĐỀ:
Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết một cách sâu sắc kinh nghiệm về giáo dục  con người - “Tiên học lễ, hậu học văn “. “Lễ” ở đây chính là nền tảng của sự lĩnh hội và phát triển tốt các tri thức và kỹ năng. Ngày nay, phương châm  “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề” cũng thể hiện rõ tầm quan trọng của hoạt động giáo dục đạo đức.
Khi xu thế toàn cầu hoá, hội nhập với thế giới, mở ra cho nước ta những thời cơ, vận hội mới. Nền kinh tế đã có những bước phát triển vượt bật, đời sống nhân dân được nâng lên. Công tác giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo. Trong nhà trường, các tổ chức Đoàn thể đã có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức học sinh, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, thách thức cũng nhiều hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề giáo dục mà tiêu biểu là giáo dục đạo đức học sinh.
Những năm gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức trong thanh thiếu niên và học sinh ngày càng có xu hướng gia tăng, các hành vi vi phạm đạo đức của học sinh diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Xuất hiện một số hành vi lệch chuẩn về mặt đạo đức như không vâng lời cha mẹ, thầy cô; thiếu kính trên nhường dưới, sống hưởng thụ, lười lao động … những dấu hiệu trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội về giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Đối với thế hệ trẻ ngày nay, vấn đề tôn trọng, lễ độ với ông bà cha mẹ càng được quan tâm chú trọng hơn nữa. Việc kết hợp giáo dục đạo đức học sinh giữa nhà trường- gia đình- xã hội đã phát huy hiệu quả rõ nét. Về phía  nhà trường không chỉ là những lời nhắc nhở, quy định mà các thầy, cô giáo còn lồng ghép những bài học về đạo đức làm người, về giá trị của gia đình, về đạo làm con với ông bà, cha mẹ….vào những  bài học trên sách vở. Đôi khi nhờ tính chất mềm dẻo, nhẹ nhàng lại phát huy hiệu quả rõ nét. Chính vì những lí do trên đến với hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức, pháp luật”, lớp 6/2 chúng tôi đã chọn đề  Từ một đề văn. Câu chuyện tuy đơn giản nhưng có lẽ khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều.
2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Hà sinh ra trong một gia đình nghèo, cha Hà qua đời khi Hà chưa tròn 3 tuổi, tuổi thơ của Hà là những ngày tháng nằm trong vòng tay chở che của mẹ.  Từng ngày cha mất bao nhiêu gánh nặng gia đình lại đổ dồn trên đôi vai gầy của mẹ  Hà. Ngày lại qua ngày, bà lại tất tả với gánh hàng trĩu nặng rong ruổi trên khắp nẻo đường ở cái thành phố đất chật người đông này. Tuy vất vả là thế nhưng mẹ Hà vẫn quyết cho con ăn học kiếm cái chữ mong sau này đời Hà sẽ đỡ vất vả hơn. Không phụ tấm lòng của  mẹ, năm học nào Hà cũng đạt thành tích tốt, nhận nhiều giấy khen của nhà trường. Thương con và bao giờ cũng nghĩ con mình thiếu thốn tình thương của cha, lại chẳng no đủ như bạn bè mẹ Hà luôn vung vén cho con những gì con muốn, dù bà phải lao động cật lực mặc trời mưa nắng. Khi đôi vai mẹ Hà oằng đi vì một đời gánh gồng bao nhiêu thứ thì Hà cũng dần lớn lên. Hà bây giờ đã trở thành một cô bé sinh đẹp với nước da trắng ngần và đôi mắt sáng thông minh. Hơn thế em còn là học sinh giỏi của một trường THCS điểm của thành phố. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì tốt đẹp biết bao. Những tiếc thay càng lớn, càng hiểu biết nhiều thì Hà mặc cảm về thân phận mình. Hà chán ghét cảnh nghèo đói cùng cực, ghét bị người ta coi thường và cũng từ ngày đó Hà ghét cả gánh hàng rong của mẹ. Hà luôn dặn mẹ “ Mẹ à, mẹ đừng gánh hàng lại trước cổng trường con nhé. Con không muốn bạn bè  biết hoàn cảnh nhà mình đâu”. Mẹ Hà dù đau trong lòng nhưng vì thương con nên bà cũng đành chấp nhận. Dù hằng ngày gành hàng đi ngang qua trường Hà học nhưng bà chẳng bao giờ dám đứng lại chỉ dám khẻ nhìn rồi vội vã đi qua. Bao nhiêu lần muốn đến gần cổng trường nhìn con một chút, đặc biệt là những ngày bế giảng Hà được nhận biết bao phần thưởng cho thành tích học tập xuất sắc nhưng bà vẫn không dám. Chiều nay, một buổi chiều cuối xuân đầu hạ, trời bổng có dấu hiệu sẽ làm một cơn mưa rào để chào đón mùa mới sang. Vẫn như mọi ngày, mẹ Hà vẫn nặng gánh hàng trên vai, ngước nhìn bầu trời mây đen ùn ùn kéo đến bà lo lắm. Hàng thì còn hơn một nữa, nào cốc, ổi, xoài, lê để qua ngày mai thì sợ hư mất. Phần thì lo cho Hà, bà nghĩ bụng “chắc con bé  đi học trời còn đang nắng thì chẳng biết mà mang áo mưa theo đâu”. Lo cho con mẹ Hà nghĩ “mình sẽ mang áo mưa cho con”. Tuy nghĩ thế nhưng bà vẫn còn lưỡng lự “khổ nỗi con bé dặn rồi, mình không được gánh hàng tới trường nó”. Nghĩ  một hồi lâu lại thêm trời bắt đầu nổi gió mẹ Hà đành quyết “À có cách  rồi, mình sẽ gởi gánh rồi đi vào trường vậy”. Rồi mẹ Hà vội vã gởi lại gánh hàng cho một cửa hàng tạp hóa quen biết, bà mua cái áo mưa rồi tất tả chạy đến trường. Bà đi vào lớp Hà đang học, lúc này đang là giờ ra chơi . Trong thấy Hà, bà cất tiếng gọi : “Hà, Hà ơi áo mưa nè con”. Nghe tiếng mẹ Hà giả vờ lơ đi vì lúc đó cô bé đang đứng trò chuyện với Ngọc cùng lớp, cũng sợ xấu hổ khi bạn bè biết được mẹ mình nghèo khổ. Ngọc đứng đó nghe thấy nói với Hà : “Hình như mẹ bạn gọi bạn kìa” vừa nói Ngọc vừa chỉ tay về phía mẹ Hà. Lúc này Hà đành quay lại, có thoáng chút gì đó sững sốt, chai sần rồi chuyển sang đỏ gay trên khuôn mặt cô bé. Hà tức tốc chạy về phía mẹ rồi nhanh tay kéo mẹ ra phía nhà xe gần cổng trường. Mẹ Hà biết có gì đó không ổn, bà hỏi Hà : “Chuyện gì vậy con?”. Chẳng đợi mẹ nói hết câu Hà hét lên “Con đã nói rồi, mẹ đừng vào trường sao mẹ vẫn không nghe chứ. Chắc mẹ vui lắm khi thấy lũ bạn cười vào mặt con phải không?”. Mẹ Hà cố gắng giải thích: “Vì mẹ sợ con ướt mưa mà, với lại mẹ đã gởi gánh hàng rồi còn gì”. Hà cau có: “Mẹ thật chẳng hiểu tí nào cả, tôi hận vì sao tôi sinh ra mà phải chịu dựng cuộc đời nghèo khổ, trong khi cha mẹ lũ bạn đều là bác sĩ, giáo viên, tôi ghét gánh hàng rong mà cũng chán mẹ lắm rồi”. Mẹ Hà nhìn con chua xót: “Nghèo đâu phải là có tội đâu con”. Hà hầm hực “Đúng rồi, nghèo không phải là cái tội mà là sự xỉ nhục trong cuộc đời tôi”. Nói song Hà bỏ vào lớp để mặc mẹ mình đứng đó với cái áo mưa trên tay. Mẹ Hà đi về, trời đổ trận mưa to, nước mưa hòa cùng nước mắt mặn đắng.
Hà vào lớp học, cô bé cố gắng để tỉnh táo nhưng không thể cân bằng lại được. Lúc này trống đã điểm giờ vào lớp, tiết tới sẽ viết bài tập làm văn. Cô giáo đi vào nhắc nhở cả lớp chuẩn bị giấy làm bài kiểm tra, rồi cô viết đề trên bảng. Khi cô ghi đề xong thì cả lớp ồ lên, Hà cũng bị gây chú ý bởi âm thanh đó. Ngước nhìn lên bảng đen, Hà đọc đề bài “Thầy giáo dạy Toán biết rất nhiều công thức Toán, cô giáo dạy Văn thuộc rất nhiều bài thơ, người nấu bếp thuê đều nuôi lớn những đứa con của mình bằng những gì họ biết. Hãy nêu cảm nghĩ của em về nhận định trên”. Nhìn đề bài Hà thất thần,nhìn trân tráo tự dưng nước mắt Hà ứa ra, nhoè cả trang giấy. Có gì đó chua xót, nghẹn đắng trong lòng Hà, ép hai dòng nước mắt chảy ra. Hà cảm giác trống trỗng, vô hồn, Hà biết mình mang tội lỗi “Thì ra đâu cần phải giàu có, một gánh hàng thôi nhưng mẹ đã nuôi mình bằng tất cả lốn liếng- đó là cuộc đời của mẹ”. Đời con bóng mẹ, Hà được ấm no, đầy đủ cũng từ mồ hôi mẹ đổ trên khắp nẻo đường, vai áo thì sờn đi mà quay gánh lại bóng nhẩy theo thời gian. Hà nhất định chiều nay sẽ về xin mẹ tha thứ lỗi lầm của mình. Có lẽ không cần tìm kiếm ở chốn nào xa xôi, hạnh phúc nằm ngay trong tầm tay cô bé.
III. KẾT LUẬN
Câu chuyện này là một tình huống thực tế trong cuộc sống và thường  gặp trong giới học sinh hiện nay. Một bộ phận giới trẻ đua đòi, sống thực dụng đã xem thường công lao của cha mẹ vất vả ngày đêm nuôi ta khôn lớn. Trường hợp nhân vật Hà trong câu chuyện trên, đã dóng lên hồi chuông về cách nhìn nhận cuộc sống lệch lạc, thiếu suy nghĩ ở lứa tuổi thành niên. Và cần lắm sự giáo dục về nhiều mặt để các em trở về đúng quỹ đạo, để có lối sống tốt đẹp hơn.
Về mặt đạo đức Hà đã phạm đạo hiếu của người làm con với mẹ - người có công sinh thành và nuôi Hà khôn lớn. Chạy theo vật chất, danh lợi tầm thường Hà có những thái độ không đúng với mẹ mình. Hà sợ cuộc sống nghèo khổ, sợ bị bạn bè cười chê từ đó Hà ghét hoàn cảnh gia đình, ghét cả gánh hàng của mẹ. Nhưng Hà làm sao biết được chính từ gánh hàng với số vốn ít ỏi, với những thứ bánh trái tầm thường làm quà rẻ mạc cho bọn trẻ phố thị đã nuôi Hà từ một cô bé sơ sinh khi mới lọt lòng đỏ hỏm trở thành cô gái lớn phổng phao như bây giờ. Phía sau bao lo toan, nhọc nhằn với gánh hàng trĩu nặng trên đôi vai của mẹ là những chuỗi ngày êm ấm, no đủ dành cho Hà; phía sau gánh hàng rong ruổi trên khắp nẻo đường lớn có tên và cả những con hẻm vô danh của mẹ ở là giờ học Hà được ngồi học ở trường lớp được thầy cô dạy biết được bao điều hay, lẽ phải. Hà có lẽ chưa hiểu được giá trị đồng tiền vất vả được làm ra từ mô hôi, nước của mẹ cô đã nuôi cô ăn học. Chẳng có nghề nào đáng chê cả, làm ra đồng tiền hợp pháp và bằng sức lao động thì luôn được xã hội xem trọng. Chữ hiếu là thước đo tiêu chuẩn về đạo đức mỗi con người. Sau này Hà có thể làm bác sĩ, giáo viên hay là tiến sĩ, giáo sư …nhưng thiếu đi đạo làm con với mẹ cha thì cũng chẳng thể là người tốt được.Có lẽ nhờ đề Văn trên lớp của cô giáo đã đánh thức tâm hồn, trái tim thánh thiện bên trong Hà, làm cô bé thức tỉnh. Ở lứa tuổi vị thành niên, lứa tuổi có sự biến chuyển rõ nét về mặt tâm lí, chịu tác động từ bạn bè, xã hội xung quanh thì cũng cần có sự tác động đúng lúc với phương pháp hợp lí và nhiều. Chỉ với một đề Văn mà Hà- cô bé bồng bột chợt hiểu được rằng thầy giáo dạy Toán biết rất nhiều công thức Toán, cô giáo dạy Văn thuộc rất nhiều bài thơ, người nấu bếp thuê hay những người gánh gồng bán dạo trên khắp nẻo đường như mẹ Hà đều nuôi lớn những đứa con của mình bằng những gì họ biết.
Nhiều khi cũng chính những suy nghĩ sai về lệch về đạo đức đã dẫn đến sự vi phạm pháp luật. Điều 35, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 có quy định về nghĩa vụ và quyền của con: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ. Do suy nghĩ của Hà còn non kém, lại bị chi phối bởi nhiều tư tưởng không tốt đã dẫn đến hành vi thái độ không đúng đắn. Có lẽ Hà cũng không biết bản thân đã vi phạm quy định của pháp luật về bổn phận, trách nhiệm của con đối với cha mẹ. Hằng ngày, chúng ta thường  dựa vào về quyền trẻ em để đòi hỏi quyền lợi của bản thân nhưng lại quên đi chung ta cũng phải có trách nhiệm với người xung quanh mà gần gũi nhất là cha mẹ mình. Đạo đức là những quy luật không thành văn được mọi người mặc định và pháp luật quy định trên giấy tờ, khuôn phép đối với mỗi công dân, tuy không giống nhau về cách thức như hai yếu tố này luôn song hành với nhau để tạo nên khuôn khổ mà ở đó con người hoàn chỉnh hơn, mẫu mực hơn.


Mô hình giáo dục ngoại khóa theo chủ đề rất có hiệu quả

By : Unknown




  Sáng ngày 21-9, tại Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, nhà trường đã kết hợp với Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam và Công ty Tất Thắng.De.Cor đã tiến hành tổng kết và trao giải thưởng về hội thi “Ngợi ca, tìm hiểu lịch sử, chủ quyền đất nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh”.
Phần trình diễn của các em trong chương trình thi hùng biện.
         Đây là hội thi do nhà trường phát động, Công ty Tất Thắng.De.Cor  thông qua Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi tài trợ toàn bộ chương trình. Hội thi với nhiều nội dung phong phú hấp dẫn cụ thể cho từng khối lớp. Như đối với khối lớp 6 là các chủ đề về bài hát phù họp với nội dung 1 trong 5 điều Bác dạy. Khổi lớp 7, hát về "Bác Hồ, Đảng Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), chủ quyền biển đảo." – Múa dân vũ. Khối lớp 8,9 thì các em thi về hùng biện những nội dung về chủ quyền đất nước, ngoài ra các em còn thi vẻ tranh tường và nhiều nội dung hấp dẫn, bổ ích khác.
         Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuộc thi kéo dài từ ngày 17-8 đến nay, chủ yếu các em thể hiện ngay tại các buổi khai giảng. Trong phần tìm hiểu lịch sử, chủ quyền đất nước các em đã tranh tài hùng biện, minh họa bằng nhiều hình thức như Pano, khẩu hiệu, hình ảnh, múa minh họa,… tất cả do sự sáng tạo của lớp để làm rõ thêm chủ đề.
         Trong đó các chủ đề đã được các em thể hiện cụ thể là: Trình bày về sự kiện giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền VN; Trình bày về việc Philippin đang khởi kiện Trung Quốc; Đường lưỡi bò thể hiện mưu đồ gì của Trung Quốc?; Trung Quốc đã cải tạo, bồi lấp trên các đảo của Việt Nam như thế nào?; Giới thiệu luật biển Việt Nam liên hệ để thấy những sai trái của Trung Quốc; C.O.C là gì? Vì đâu mà đến nay C.O.C chưa ra đời ? Giới thiệu về phân định ranh giới VN - Campuchia và các sự kiện gần đây; Trình bày về cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979; Trình bày về cuộc chiến biên giới Tây – Nam; Sự gian dối, độc hại của một số hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc; Các cuộc xâm lược lớn của Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam, kết quả? Trung Quốc đang gây hấn với những nước láng giềng như thế nào? Giới thiệu các luật biển quốc tế, vạch trần vi phạm của Trung Quốc; Các ký kết về biên giới trên bộ, trên biển của Việt Nam và Trung Quốc,...
         “Mục đích của chúng tôi là nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lãnh tụ; ngợi ca Đảng CSVN, bồi dưỡng hiểu biết về truyền thống dân tộc, chủ quyền đất nước, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong học sinh; để kịp thời cho học sinh nắm bắt về diễn biến tình hình an ninh chủ quyền biên giới, những âm mưu của các thế lực thù địch nhằm nâng cao cảnh giác. Giáo dục ý thức thường trực bảo vệ chủ quyền đất nước, hiểu biết về lịch sử, truyền thống dân tộc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ trong học sinh. Qua hội thi phát hiện tài năng diễn xuất, các năng khiếu của các tập thể và cá nhân trong học sinh. Thật đáng mừng là các em đã rất ý thức và thực hiện rất hiệu quả. Chúng tôi chân thành cảm ơn Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam đã đồng hành, khích lệ thầy trò chúng tôi trong chương trình này”.
         Tại buổi trao giải nhà trường đã trao mỗi khối lớp 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba. Kết quả mỗi lớp được tính điểm thi đua trong năm học.
Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được:
Các em học sinh tham gia đông đủ tại buổi trao giải thưởng.
Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá về kết quả hội thi.
Giám đốc Công ty Tất Thắng.De.Cor trao giải tại cuộc thi.
Hiệu phó nhà trường thầy Nguyễn Tấn Bền trao giải thưởng cho các em.
Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng nhà trường trao giải thưởng cho các em.
Trao giải thưởng cho các em.
Tranh tường do các em học sinh thể hiện.
Phần trình diễn của các em trong chương trình thi hùng biện.
Nguồn: tamky.edu.vn

- Copyright © Lớp 7/2 Lý Tự Trọng - Date A Live - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -